Tuyển chuyên gia khảo sát thị trường các bài thuốc y học cổ truyền tiềm năng

Dự án: “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam”

ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

“Tuyển chuyên gia khảo sát thị trường các bài thuốc y học cổ truyền tiềm năng”

 

  1. GIỚI THIỆU CHUNG

Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng (YENBAI CDSH) là một tổ chức phi chính phủ tại tỉnh Yên Bái, được thành lập theo Quyết định số 15/QĐ- LHH, ngày 13/11/2009 của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật  tỉnh Yên Bái. Trung tâm hoạt động theo Luật Khoa học và Công nghệ; Nghị định số 81/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

YENBAI CDSH có sứ mệnh hỗ trợ người dân tộc thiểu số và cộng đồng nông thôn nghèo, phụ nữ và trẻ em, đang sốngtại các khu vực miền núi của tỉnh Yên Bái tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phát triển bền vững thông qua việc ứng dụng khoa học và công nghệ.

YENBAI CDSH đang trong quá trình thực hiện dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” do Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tài trợ. Dự án được thực hiện trong thời gian 45 tháng, từ tháng 11 năm 2017 đến tháng 7 năm 2021, tại 02 huyện Văn Yên và Yên Bình, tỉnh Yên Bái và một số hoạt động ở cấp quốc gia.

Mục tiêu chung của dự án là: “Thúc đẩy sự đóng góp của các Tổ chức xã hội nhằm nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam”.

Mục tiêu cụ thể của dự án gồm: (1) Quảng bá công khai thông tin về vùng cây thuốc nam và các bài thuốc Đông y;  (2) Nhận thức và thực hành đạo đức kinh doanh và Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị thuốc nam được cải thiện và; (3) Đẩy mạnh Trách nhiệm giải trình và vai trò tác nhân phát triển của các tổ chức xã hội.

Dự án hướng tới 3 kết quả sau:

  • Kết quả 1Thông tin về vùng thuốc nam bản địa và các bài thuốc đông y được thu thập và phổ biến miễn phí, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).
  • Kết quả 2Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trở thành thực hành phổ biến bởi các tác nhân tham gia chuỗi giá trị thuốc nam.
  • Kết quả 3Các tổ chức xã hội được các cơ quan chức năng ở địa phương và trung ương và các tổ chức phát triển quốc tế ghi nhận trở thành đối tác phát triển quan trọng.

Trong năm thứ nhất của Dự án, YEN BAI CDSH đã thực hiện khảo sát về vùng trồng cây thuốc nam và bài thuốc y học cổ truyền tại 04 địa bàn gồm: Thành phố Hà Nội, Yên Bái, Hòa Bình và Sơn La. Một trong kết quả quan trọng của hoạt động khảo sát này đó là xác định được 24 bài thuốc y học cổ truyền có tiềm năng thị trường và thu thập các thông tin liên quan làm cơ sở cho việc hỗ trợ xây dựng kế hoạch kinh doanh phát triển thị trường và hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu bài thuốc với cơ quan có thẩm quyền (cấp quốc gia và cấp tỉnh). Trong số 24 bài thuốc y học cổ truyền được xác định và thu thập trong khuôn khổ cuộc khảo sát năm thứ nhất, Dự án đã tiến hành chọn lựa ra 09 bài thuốc y học cổ truyền có tiềm năng thị trường và đáp ứng tiêu chí hỗ trợ của dự án tại Hà Nội, Yên Bái và Hòa Bình.

Ngoài ra, một trong những kết quả cần phải đạt được trong khuôn khổ dự án này đó là sẽ có ít nhất 03 bài thuốc y học cổ truyền được hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu ở cấp tỉnh (02 bài) và cấp quốc gia (1 bài). Để có đầy đủ các thông tin liên quan đến tiềm năng thị trường cho các sản phẩm liên quan đến 09 bài thuốc được xác định có tiềm năng thị trường và đáp ứng các tiêu chí hỗ trợ của Dự án, YEN BAI CDSH tiến hành cuộc khảo sát đánh giá tiềm năng thị trường cho 09 bài thuốc có tiềm năng nhất. làm cơ sở đưa ra các khuyến nghị cho việc xây dựng kế hoạch kinh doanh và đăng ký hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu các bài thuốc y học cổ truyền tiềm năng.      

  1. THÔNG TIN VỀ KHẢO SÁT THỊ TRƯỜNG

Trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động năm thứ hai của dự án, YENBAI CDSH cần tuyển dụng một nhóm chuyên gia tư vấn trong nước  (gồm 03 thành viên) có kinh nghiệm phù hợp để thực hiện  cuộc khảo sát và phân tích tiềm năng thị trường cho 09 bài thuốc y học cổ truyền tại tỉnh Yên Bái, Hà Nội và Hòa Bình.

2.1.           Mục đích hoạt động tư vấn  

–         Đánh giá và phân tích tiềm năng thị trường và cơ hội gia tăng giá trị cho các sản phẩm liên quan đến  9 bài thuốc y học cổ truyền tại Yên Bái, Hà Nội và Hà Bình .

–         Đưa ra khuyến nghị để xây dựng kế hoạch kinh doanh cho 9 bài thuốc tiềm năng và hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu các bài thuốc y học cổ truyền;

2.2.           Phạm vi nghiên cứu

Việc phân tích thị trường sản phẩm liên quan đến 09 bài thuốc y học cổ truyền sẽ được chú trọng ở một số khía cạnh quan trọng gồm:  

1)     Sản phẩm hiện có: Thu thập thông tin về các loại sản phẩm hiện có của từng bài thuốc (trong số 09 bài thuốc) hiện đang được bán trên thị trường; phân tích những lợi thế và tiềm năng tăng cường khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường .  

2)     Giá bán và lợi thế cạnh tranh: Thu thập thông tin về giá bán từng sản phẩm và phân tích lợi thế cạnh tranh về giá bán của từng sản phẩm so với các sản phẩm tương tự; phân tích cơ hội nhằm gia tăng lợi nhuận thông qua phân tích chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm;

3)     Thị trường: Thu thập thông tin về thị trường tiêu thụ của từng loại sản phẩm và phân tích quy mô thị trường và triển vọng mở rộng thị trường cho từng loại sản phẩm cũng như các cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phầm tiềm năng.

4)     Khách hàng tiềm năng: Thu thập thông tin về khách hành hiện tại đang sử dụng các sản phẩm; và phân tích nhu cầu và mối quan tâm của khách hàng đối với từng loại sản phẩm; phân tích cơ hội mở rộng các nhóm khách hàng tiềm năng và cơ hội gia tăng giá trị thông qua đa dạng hóa nhóm khách hàng.

5)     Kênh phân phối sản phẩm: Thu thập thông tin về các kênh phân phối sản phẩm hiện có cho từng sản phẩm của 09 bài thuốc. Phân tích cơ hội tăng cường hiệu quả các kênh phân phối sản phẩm cho các sản phẩm của bài thuốc.  

6)     Các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm: Xác định các tác nhân đang tham gia vào chuỗi giá trị từng loại sản phẩm liên quan đến 09 bài thuốc và phân tích vai trò, mối quan tâm và lợi ích của từng nhóm tác nhân khi tham gia vào chuỗi giá trị; phân tích và đánh giá cơ hội thúc đẩy sự tham gia và liên kết hợp tác giữa các nhóm tác nhân theo chuỗi giá trị nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.    

7)     Chiến lược truyền thông, quảng bá sản phẩm: thu thập thông tin liên quan đến cách thức hay các biện pháp đang được chủ sở hữu áp dụng nhằm truyền thông, quảng bá sản phẩm; phân tích cơ hội và nhu cầu của chủ sở hữu các bài thuốc y học cổ truyền về việc cải thiện công tác truyền thông, quảng bá sản phầm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm;

8)     Quyền sở hữu và nhu cầu hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu: Thu thập thông tin liên quan đến quyền sở hữu của các bài thuốc tiềm năng; phân tích nhu cầu và mỗi quan tâm của chủ sở hữu bài thuốc về việc hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu bài thuốc y học cổ truyền.

2.3.           Tiến trình thực hiện khảo sát:

Nhóm tư vấn được tuyển chọn sẽ thực hiện cuộc khảo sát này theo các bước như sau:

 

  • Bước 1: Rà soát thông tin sẵn có: Nhóm chuyên gia tư vấn sẽ thực hiện việc rà soát số liệu sẵn có từ kết quả cuộc khảo sát về vùng trồng cây thuốc và bài thuốc y học cổ truyền để xác định các thông tin đã có và các thông tin cần phải thu thập thêm nhằm phục vụ cho việc đánh giá thị trường cho 9 bài thuốc y học cổ truyền đã xác định.

 

  • Bước 2: Thu thập thông tin tại thực địa: Trên cơ sở xác định các thông tin còn thiếu, nhóm tư vấn sẽ tiến hành xây dựng công cụ khảo sát, kế hoạch thu thập thông tin tại thực địa và thực hiện thu thập thông tin từ các bên liên quan để phân tích thị trường sản phẩm của 09 bài thuốc y học cổ truyền tiềm năng;
  • Bước 3: Xử lý, phân tích số liệu và viết báo cáo: dựa trên các thông tin thu được, nhóm tư vấn tiến hành phân tích các số liệu thu được và viết báo cáo kết quả phân tích thị trường cho 09 bài thuốc tiềm năng.
  • Bước 4: trình bày kết quả phân tích thị trường với các bên liên quan. Nhóm nghiên cứu trình bày kết quả phân tích thị trường với các bên liên quan tại hội thảo xây dựng kế hoạch phát triển kinh doanh cho 09 bài thuốc tiềm năng.

 

2.4.           Thời gian, địa điểm và đối tượng khảo sát:

Thời gian khảo sát dự kiến là 02 tháng bắt đầu từ tháng 8/2019 và kết thúc vào tháng 09 năm 2019, với một số mốc sự kiện quan trọng bao gồm:

Hoạt động chính Thời gian hoàn thành Ngày công
1.      Thống nhất và phê duyệt đề cương nghiên cứu khảo sát    Tuần 1 tháng 8 1 ngày
2.      Xác định được danh mục thông tin cần thu thập; công cụ cần thu thập; đối tượng cung cấp thông tin và kế hoạch thu thập thông tin tại thực địa Tuần 2 tháng 8 năm 2019 2 ngày
3.      Thu thập thông tin đánh giá thị trường cho 09 bài thuốc gồm 6 bài tại Yên Bái; 02 bài tại Hà Nội; 01 bài tại Hòa Bình Tuần 3 và tuần 4, tháng 8 năm 2019 5  ngày
4.      Tổng hợp số liệu, phân tích và viết báo cáo sơ bộ Tuần 2  tháng 9 năm 2019 2 ngày
5.      Hoàn thiện báo cáo theo góp ý của các bên liên quan Tuần 3 tháng 9 năm 2019 1 ngày
6.      Trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo hỗ trợ xây dựng kế hoạch kinh doanh cho 09 bài thuốc tiềm năng Tuần 4 tháng 9 năm 2019 1 ngày
Tổng số   12 ngày

Nhóm đối tượng cung cấp thông tin và địa bàn thực hiện cuộc khảo sát được phân bổ như sau:

Đối tượng phỏng vấn Số lượng Địa bàn
Hà Nội Yên Bái Hòa Bình
1.      Tác giả/chủ sở hữu bài thuốc 09 người 2 6 1
2.      Bệnh nhân/khách hàng đang sử dụng sản phẩm của bài thuốc (09 bài x 6 người/bài) 54 người 12 36 6
3.      Bệnh nhân/khách hàng chưa sử dụng bài thuốc (09 bài x 3 người) 27 người 6 18 3
4.      Doanh nghiệp dược/cửa hàng dược 10 người 2 6 2
Tổng số 100 22 66 12

2.5.           Nhiệm vụ chính của nhóm chuyên gia:

  1.  Xây dựng đề xuất kỹ thuật trong đó mô tả rõ về phương pháp khảo sát, kế hoạch thực hiện, đề xuất kinh phí và nhân sự tham gia.
  2. Xây dựng và hoàn thiện danh mục thông tin cần thu thập, bộ công cụ sử dụng để thu thập thông tin và kế hoạch khảo sát tại các địa bàn.
  3. Thực hiện khảo sát theo kế hoạch đã được thống nhất giữa nhóm tư vấn và YENBAI CDSH.
  4. Phân tích số liệu và viết báo cáo dự thảo và hoàn thiện báo cáo dự thảo dựa trên cơ sở các ý kiến đóng góp của YENBAI CDSH, các cơ quan đối tác
  5. Trình bày kết quả khảo sát tại hội thảo xây dựng kế hoạch kinh doanh cho 09 bài thuốc tiềm năng.

2.6.           Sản phẩm của nhóm tư vấn :

  1. Đề xuất kỹ thuật thực hiện cuộc khảo sát
  2. Bộ công cụ khảo sát và kế hoạch khảo sát
  3. Báo cáo kết quả khảo sát: Trình bày rõ các nội dung sau:

–         Những thông tin còn thiếu liên quan đến việc đánh giá tiềm năng thị trường của bài thuốc ( ví dụ: Dạng sản phẩm, Giá bán, Nơi bán, Khách hàng, Các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm, hiện trạng quyền sở hữu….)

–         Đánh giá tiềm năng thị trường của từng sản phẩm của 9 bài thuốc. trong đó trả lời rõ: i, hiện trạng sản phẩm; ii) cơ hội cải thiện sản phẩm nhằm gia tăng giá trị; iii, Tiềm năng thị trường cho từng loại sản phẩm; iv, cơ hội cải thiện nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng hợp tác với các tác nhân khác.

–         Đưa ra các khuyến nghị cụ thể cho việc xây dựng kế hoạch kinh doanh cho 9 sản phẩm tiềm năng liên quan đến bài thuốc.

  1. Các sản phẩm kèm theo từ hoạt động khảo sát (các thông tin liên quan khác đến bài thuốc).

2.7.           Hỗ trợ từ YENBAI CDSH và đối tác dự án:

  • Hỗ trợ công tác hậu cần (phương tiện đi lại, liên hệ mời đối tượng cung cấp thông tin) chuẩn bị cho khảo sát.
  • Cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết cho công việc của chuyên gia;
  • Giám sát và hỗ trợ hoạt động của chuyên gia.

2.8.           Yêu cầu đối với nhóm tư vấn

Nhóm tư vấn bao gồm 03 chuyên gia, trong đó có 01 chuyên gia về phân tích thị trường hoặc chuỗi giá trị sản phẩm; 01 chuyên gia về y học cổ truyền hoặc các lĩnh vực liên quan và 01 chuyên gia về xã hội học. Các yêu cầu đối với chuyên gia như sau:

Chuyên gia chuỗi giá trị/phân tích thị trường

–  Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế, quản trị kinh doanh hoặc các lĩnh vực liên quan

–  Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm về phân tích thị trường hoặc hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm

–  Ưu tiên ứng cử viên có am hiểu về chuỗi giá trị cây thuốc nam và các bài thuốc y học cổ truyền.

–  Ưu tiên những ứng viên có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm hoặc các sản phẩm từ cây thuốc nam.

–  Có khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm.

Chuyên gia đông y/cây thuốc nam

–  Tốt nghiệp Đại học ngành Y, dược hoặc các lĩnh vực liên quan.

–  Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền.

–  Ưu tiên ứng cử viên có am hiểu về chuỗi giá trị cây thuốc nam và các bài thuốc Đông y.

–  Ưu tiên những ứng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm từ cây thuốc nam

–  Có khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm.

Chuyên gia xã hội học

–  Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành xã hội học hoặc các lĩnh vực liên quan.

–  Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong các dự án phát triển

–  Ưu tiên ứng cử viên có am hiểu về chuỗi giá trị cây thuốc nam và các bài thuốc Đông y.

–  Ưu tiên những ứng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm từ cây thuốc nam

–  Có khả năng làm việc độc lập và làm việc theo nhóm.

 

  1. NỘP HỒ SƠ ỨNG TUYỂN

Các ứng viên quan tâm có thể nộp hồ sơ theo nhóm (gồm 3 thành viên) hoặc nộp cho từng vị trí tuyển dụng. Khi nộp đơn, các ứng cử viên cần phải nộp các tài liệu gồm: (1) Đề xuất kĩ thuật; và (3) CV của các chuyên gia thực hiện khảo sát.

Hồ sơ ứng viên quan tâm cần nộp cho YENBAI CDSH trước 17:00 ngày tháng 8 năm 2019  qua đường bưu điện hoặc email. Bên ngoài bao thư và tiêu đề email xin ghi rõ “Đề xuất khảo sát thị trường các bài thuốc tiềm năng”.

Địa chỉ nhận hồ sơ: Văn phòng Dự án “Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” – Phòng 908, tầng 9, số 33, Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

–  Hotline: 0906 242 058 – Email: [email protected]