YENBAI CDSH tham gia hoạt động Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em miền Bắc (CRG)

Viện nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD Việt Nam) triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị QTE” do tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SCI) tài trợ giai đoạn mới từ 01/5/2019 đến 31/12/2021. Mục tiêu của Dự án nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ xã hội và nhân viên các tổ chức xã hội (TCXH) về quản trị quyền trẻ em (QTE). Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em ở ba miền được hình thành trên cơ sở nòng cốt là mạng lưới các tổ chức XHDS về quản trị QTE tại 3 thành phố Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh.

Là một tổ chức NGO làm việc về trẻ em tại Yên Bái, YENBAI CDSH tham gia và trở thành thành viên Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em miền Bắc (CRG), CDSH đã tích cực trong nhiều hoạt động của nhóm từ cuối năm 2019. Bước sang năm 2020, dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, các tổ chức thành viên đều bị ảnh hưởng và gặp khó khăn trong hoạt động nói chung cũng như các hoạt động liên quan đến trẻ em nói riêng. Chia sẻ khó khăn và hoạt động trong mùa dịch của các thành viên CRG, MSD đã tiến hành một khảo sát nhanh về “Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới hoạt động của các tổ chức Mạng lưới Quản trị Quyền trẻ em” Việt Nam, trong đó có CDSH Yên Bái. Khảo sát được thực hiện và viết báo cáo khảo sát chỉ trong 11 ngày, từ ngày 31.03 đến hết ngày 10 tháng 04 năm 2020.

Mục tiêu của khảo sát: (1) Đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới các tổ chức xã hội (TCXH); (2) Tìm hiểu những khó khăn, thách thức của dịch tới hoạt động và vận hành của tổ chức; (3) Tìm hiểu những sáng kiến vượt qua khủng hoảng dịch bệnh của các tổ chức; (4) Đánh giá nhu cầu hỗ trợ về nâng cao năng lực ứng phó khủng hoảng của các tổ chức; và (5) Đánh giá mức độ các nguy cơ với trẻ em trong mùa dịch. Đã có 101 tổ chức xã hội hoạt động tại Việt Nam tham gia thực hiện khảo sát này.

Ngày 17.4.2020, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã tổ chức họp trực tuyến công bố Báo cáo kết quả Khảo sát nhanh “Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới hoạt động của các tổ chức xã hội tại Việt Nam”. Báo cáo kết quả khảo sát nêu rõ: “Đại dịch COVID- 19 là thách thức không của riêng ai”.

Các thách thức chính đối với các tổ chức xã hội Việt Nam bao gồm:

–  Đình trệ hoạt động là thách thức lớn nhất mà hầu hết các tổ chức hiện đang gặp phải trong thời kì đại dịch, các hoạt động theo kế hoạch đều không triển khai được, các kế hoạch xây dựng từ trước Tết Nguyên đán (Tháng 1.2020) đều liên tục bị hoãn hoặc huỷ. Tương tự đối với các cơ sở giáo dục, mọi hoạt động liên quan đến giảng dạy, tập huấn cho học sinh thanh niên đều phải tạm dừng.

– Nguy cơ giảm nguồn hỗ trợ tài chính là thách thức lớn thứ hai. Các tổ chức dự đoán nguy cơ suy giảm nguồn lực do khủng hoảng kinh tế, do đó khả năng cao các tổ chức sẽ bị giảm nguồn hỗ trợ tài chính để thực hiện các hoạt động trong tương lai, đồng thời không thể triển khai một số kế hoạch dự phòng cho việc tạo nguồn thu như nghiên cứu, tổ chức sự kiện gây quỹ. Một số cơ sở từ thiện dự tính họ có thể bị cắt giảm từ 30% đến 40% kinh phí được tài trợ.

– Khó khăn trong quá trình trao đổi, điều phối, và phối hợp với các đối tác: Làm việc tại nhà và trực tuyến (online) không thể đảm bảo 100% hiệu quả công việc như khi đến văn phòng. Theo dõi và kiểm tra tiến độ công việc cũng khó khăn hơn.

– Khó khăn về huy động tài trợ từ các nguồn khác nhau, bao gồm: (1) Khó khăn trong việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp do tổn thất sau đại dịch; (2) Lo lắng khó khăn lĩnh vực hoạt động của tổ chức sẽ khó khăn gây quỹ do không được ưu tiên hậu COVID–19; và (3) Mất hoặc bị đình trệ hoặc bị thay đổi cam kết tài trợ từ các đối tác tài trợ.

Ngoài các khó khăn nổi bật kể trên, cứ 10 tổ chức thì có hơn 1 tổ chức gặp thách thức cụ thể liên quan tới việc phải cắt giảm nhân sự do không thể trả lương, trả tiền mặt bằng thuê văn phòng và thiếu nền tảng công nghệ để điều hành công việc hiệu quả trong thời gian cách ly.

– Hơn 90% các tổ chức cho biết họ gặp khó khăn nghiêm trọng trong phục vụ, hỗ trợ thân chủ/ đối tượng đích thụ hưởng của tổ chức, đặc biệt là các đối tượng thuộc các nhóm dễ bị tổn thương. Hầu hết các tổ chức không tiếp cận được thân chủ trong thời gian cách ly hoặc gặp khó khăn trong đáp ứng nhu cầu thay đổi, nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp của thân chủ. Ở một số trường hợp đặc biệt như trẻ khuyết tật, ảnh hưởng của đại dịch là rất nghiêm trọng khi các hỗ trợ của các tổ chức cho các thân chủ này bị gián đoạn: “Trẻ bại não cũng bị dừng các hoạt động tập luyện, trị liệu theo yêu cầu của công tác chống dịch, nhưng các em lại là đối tượng trị liệu y tế. Khi bị dừng điều trị, tình trạng của nhiều trẻ bị tệ đi rất nhiều” (Đáp viên số 41).

Về giải pháp ứng phó: Dưới 50% tổ chức tham gia khảo sát đã đưa ra các giải pháp khác nhau trong việc ứng phó với tình hình dịch bệnh liên quan đến việc cải thiện quản lý, vận hành tổ chức theo phương thức mới, tăng cường gây quỹ cộng đồng, ứng dụng công nghệ. Rất ít các giải pháp khắc phục việc hỗ trợ cộng đồng được đưa ra.

Trước những khó khăn trên, hầu hết các TCXH đều có nhu cầu được hỗ trợ năng lực để ứng phó và tiếp tục phát triển. Ba nội dung hỗ trợ mà các tổ chức quan tâm nhất hiện nay là: (1) Kết nối với các nguồn lực hỗ trợ TCXH trong và sau COVID-19; (2) Truyền thông và gây quỹ trong bối cảnh mới; và (3) Ứng dụng công nghệ chuyển đổi tổ chức.

Để chuyển biến “NGUY CƠ” trở thành “THỜI CƠ”. Dựa trên kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu MSD đã đưa ra một số đề xuất nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 và khắc phục hậu đại dịch, bao gồm:

  1. Nhấn mạnh vai trò hợp tác giữa Chính phủ và thúc đẩy phối hợp giữa khối TCXH và Chính phủ và các bên liên quan khác để kịp thời ứng phó và giải quyết các thách thức trong xã hội thời kỳ khủng hoảng. Các TCXH tham gia giám sát xã hội trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, cùng nhau dự thảo khuyến nghị thư gửi Chính phủ đề nghị tăng cường giúp đỡ trẻ em trong khủng hoảng; 
  2. Tăng cường nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin về kế hoạch, chiến lược ứng phó khẩn cấp, nâng cao năng lực ứng phó trong giai đoạn khủng hoảng;
  3. Tìm hiểu, phát triển chiến lược huy động nguồn lực, đa dạng nguồn lực cho các TCXH: tăng cường vai trò hợp tác đối tác chiến lược với doanh nghiệp, gây qũy trong cộng đồng để nâng cao hiệu quả vận hành và bền vững tài chính của tổ chức;
  4. Tăng cường và đầu tư giải pháp ứng dụng công nghệ để chuyển đổi tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCXH trong thời kỳ công nghệ số;
  5. Thúc đẩy hành động chung giữa các TCXH nhằm đảm bảo những hoạt động kịp thời, ý nghĩa và có trách nhiệm trong công tác hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương vượt qua đại dịch COVID-19.

   Ngoài ra, nhóm nghiên cứu MSD đã đưa ra một (Mẫu báo cáo): Mẫu văn bản này nhằm hỗ trợ các tổ chức xây dựng các kế hoạch duy trì hoạt động nhằm ứng phó với dịch Co vid-19 trong tổ chức, các chương trình và Nhà tài trợ. Mẫu được thiết kế như một bản hướng dẫn, giúp các tổ chức có thể đáp ứng, ứng phó theo yêu cầu.

Đề xuất kế hoạch làm việc chung thời gian tới:

–      Đánh giá nhanh tình hình trẻ em bị ảnh hưởng mùa dịch (Dựa trên Survey của VACR và Child Rights Working Group). Tập trung vào 2 mảng hoạt động:

+ Nâng cao năng lực cho các tổ chức CRG (tập huấn, buổi chia sẻ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyên đề riêng về gây quỹ và truyền thông xã hội)

+  Cùng nhau thực hiện chiến dịch truyền thông xã hội về quyền trẻ em, an toàn môi trường mạng phòng tránh xâm hại, giáo dục tích cực trong mùa dịch (MSD sẽ làm khung để gửi tới các thành viên trong nhóm)

–      Gửi khuyến nghị chính phủ về bảo vệ trẻ em (Dựa trên kết quả của chiến dịch truyền thông, có lưu tâm lưu ý tới các nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt)

              Tiếp thu kết quả khảo sát trên sau cuộc họp trực tuyến với các thành viên Nhóm Quản trị Quyền trẻ em, CDSH Yên Bái đã triển khai họp nội bộ, xây dựng kế hoạch để có giải pháp chủ động triển khai các hoạt động dự án: “Bảo vệ các quyền tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính của trẻ em người dân tộc đang sống trong hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2019-2021” ngay sau khi có công bố mới về dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

                                                                             B V H